T6, 08 / 2023 1:49 chiều | admin

Cuốn sách “Cuộc Tranh Đấu của Tôi”.

Chính phủ Weimar thời đó đã quá nhân từ đối với các kẻ quá khích. Đây là những người đã khéo léo khoác ra ngoài chủ nghĩa quốc gia yêu nước. Đồng thời, trong phiên tòa xét xử Hitler với tội đảo chánh, các quan tòa lại nhân nhượng Hitler và đã để cho phe báo chí biến cuộc xét xử này thành một diễn đàn chống chính phủ. Hitler lại được giam cầm trong nhà tù đầy tiện nghi Landsberg và chỉ chịu ở tù 9 tháng rồi được trả tự do với điều kiện.

Trong thời gian nằm tù, Hitler đã lợi dụng thời gian này để đọc sách và soạn thảo cuốn “Cuộc Tranh Đấu của Tôi” (Mein Kampf). Trong cuốn sách này, Hitler mô tả các ý tưởng và niềm tin về một nước Đức tương lai, với chương trình chinh phục phần lớn đất đai của châu Âu, bao gồm các miền đất đã mất vì Thế Chiến Thứ Nhất, gồm nước Áo và các miền của Tiệp Khắc có dân Đức sinh sống. Đế Quốc Đức theo mô tả đó sẽ trải dài từ một phần Liên Xô tại phía đông, qua Ba Lan tới các quốc gia ở phía tây.

Theo Hitler, nước Đức tượng trưng cho một giống dân ưu việt và sự thuần chủng đòi hỏi người dân Đức tránh kết hôn với các giống dân Do Thái và Slav. Hitler cho rằng những điều xấu xa đều do loại người Do Thái và đã tố cáo họ làm hư hỏng các giá trị đạo đức và quốc gia. Hitler đã tuyên bố : “bằng cách bảo vệ chính tôi đối với các người Do Thái, tôi đã làm công việc của Thượng Đế” (by defending myself against the Jews, I am doing the Lord’s work). Hitler cũng cho rằng chế độ Dân Chủ (democracy) chỉ dẫn đến chủ nghĩa Cộng Sản và chế độ độc tài là cách duy nhất để cứu giúp nước Đức ra khỏi mối đe dọa của chế độ Cộng Sản và sự phản bội của các người Do Thái.

Hitler được thả khỏi nhà tù vào tháng 12 năm 1924, trở lại Munich và thấy đảng Quốc Xã đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Đảng này cũng bị chính phủ Đức đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhiều đảng viên chạy qua các đảng phái khác. Vì bị cấm nói chuyện tại nơi công cộng, Hitler dồn thời giờ vào việc tổ chức và củng cố đảng Quốc Xã. Hitler cũng dần dần thuyết phục được chính phủ Đức rằng đảng này sẽ hoạt động hợp pháp để rồi chính phủ hủy bỏ lệnh cấm. Đồng thời Hitlercũng có thêm được một số bạn bè nơi các tỉnh nhỏ, trong các công đoàn lao động, một số nông dân, thương gia và kỹ nghệ gia…

Vào năm 1924, tình trạng nước Đức cũng khả quan hơn về nhiều mặt. Nạn lạm phát đã được giảm bớt vì các cải cách tài chính và các bạo động chính trị cũng giảm đi. Các tiểu bang Đức và chính phủ liên bang đã hòa giải được một số bất đồng, trong khi đó Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức là ông Gustav Streseman đã cải thiện được vị trí của nước Đức trên trường quốc tế và làm cho nước này gia nhập được vào Hội Quốc Liên (the League of Nations) vào năm 1926. Từ năm 1925, Tổng Thống của nước Đức là Friedlich Ebert qua đời và được thay thế bởi Thống Chế Paul von Hindenburg, 77 tuổi, một vị anh hùng dân tộc. Uy tín của ông Hindenburg đã làm yên lòng người dân rằng Đức Quốc sẽ trở nên một nước dân chủ. Tại mọi nơi trong nước, đã có dấu hiệu của cảnh phục hồi sau chiến tranh. Phần lớn người dân Đức đã có công việc làm ăn, nhà ở, thực phẩm và mọi người hy vọng ở tương lai.

Sau khi trở lại đảng Quốc Xã, Hitler nắm quyền lãnh đạo và chuẩn bị một cuộc đấu tranh mới, lần này bằng các phương tiện hợp pháp. Ông ta bắt đầu thanh lọc đảng, cố gắng lấy được cảm tình của Quân Đội và sự ủng hộ tài chính của các giai cấp bảo thủ. Để làm quân bình đội S.A., Hitler cho thành lập một đội bảo vệ tinh nhuệ, lấy tên là S.S. (Schutzstaffel = đội bảo vệ), gồm các vệ sĩ chỉ biết trung thành với lãnh tụ. Hitler cũng tập hợp quanh mình một số nhân vật mà sau này sẽ đưa ông ta lên nắm chính quyền, bao gồm : Joseph Goebbels, nhà tuyên truyền Quốc Xã hàng đầu, Hermann Goering, người lãnh tụ hàng thứ nhì sau Hitler, Rudolf Hess, một thư ký riêng trung thành, Heinrich Himmler, lãnh đạo đội quân S.S.; Ernst Roehm, lãnh đạo đội quân S.A. và Alfred Rosenberg, nhà triết lý của Đảng. Joseph Goebbels cũng là chủ nhiệm một tờ báo Quốc Xã và sau này là nhà tâm lý quần chúng tài giỏi nhất của thế kỷ. Đảng viên Quốc Xã vào năm 1928 đã lên tới 60,000 người và đã chiếm được 2.6% phiếu bầu trong các cuộc tranh cử Reichstag.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả.

Vào tháng 10 năm 1929, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Gustav Streseman chết. Vào thời kỳ này, sự thịnh vượng của nước Đức tùy thuộc vào nền giao thương quốc tế và tín khoản của Hoa Kỳ. Khi thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ sụp đổ, cả hai điều kiện kể trên đã ảnh hưởng mạnh đến nước Đức. Cũng vào năm này, nước Đức đồng ý về kế hoạch Young là hoạch định lại việc bồi thường chiến tranh.

Kinh tế đi xuống, nạn thất nghiệp gia tăng hơn 20 phần trăm, người dân Đức mất tin tưởng vào các nhân vật ôn hòa đã tạo ra nền Cộng Hòa Weimar, vì thế các lực lượng Cộng Sản và Quốc Xã gia tăng rất nhanh.

Từ tháng 3 – 1930 tới tháng 5 – 1932 là thời gian của chính phủ do Chưởng Ấn Heinrich Bruning lãnh đạo. Ông Bruning là một nhân vật theo đạo Thiên Chúa La Mã, thuộc đảng Trung Tâm (Center party), đã xử dụng quyền lực Hiến Pháp của Tổng Thống Von Hindenburg để điều hành Quốc Hội (Reichstag) và cai trị đất nước bằng các nghị định (decrees). Vào năm 1932, Quốc Hội Đức đã chỉ thông qua 5 đạo luật nhưng đã ban hành 60 nghị định. Các nghị định của Chưởng Ấn Bruning ban ra là để đối phó với lương bổng và giá hàng chống lại nạn lạm phát, đối phó với các cuộc bảo động quá khích … Giống như các đối thủ khác của Hitler, ông Bruning đã đánh giá quá thấp hiểm họa do đảng Quốc Xã sẽ gây ra, khiến cho khi đã nhận chân được sự thực thì mọi việc đã quá trễ, không cứu vãn nổi!

Việc công bố chương trình Young về bồi thường chiến tranh đã bị Hitler phản đối kịch liệt từ năm 1929. Hitler đã tạo ra một phong trào chống đối toàn quốc và cách vận động đó đã khiến cho đảng Quốc Xã trở nên một sức mạnh chính trị chính yếu trong nước. Hitler đã dẫn đầu các cuộc tuần hành, tổ chức nhiều cuộc mít tinh đông đảo và đọc diễn văn kêu gọi tại rất nhiều nơi trên nước Đức. Hitler cũng hạ bớt giọng kết án người Do Thái, hứa hẹn sẽ loại trừ bọn Cộng Sản và các kẻ thù khác và tuyên bố sẽ đoàn kết lại nước Đức cùng với các phần đất nói tiếng Đức. Đồng thời đảng Quốc Xã đã vận động được sự ủng hộ của Quân Đội, Cảnh Sát và các nhà kỹ nghệ, hai đội quân S.A. và S.S. tuy là các đơn vị quân sự không thuộc chính quyền, nhưng lại được võ trang đầy đủ.

Vào đầu năm 1932, thời kỳ 7 năm tại chức của Tổng Thống Hindenburg đã hết. Ông Hindenburg lại ra tranh cử để chống lại Hitler và vài lãnh tụ thiểu số khác. Kết quả sau bầu cử là Thống Chế Hindenburg được 53% số phiếu, 35% thuộc về Hitler và 10% là của ông Ernst Thalman, một ứng viên Cộng Sản. Tới lúc này, Chưởng Ấn Bruning mới nhận thấy sự đe dọa của các hành động bạo lực của các đoàn quân S.A. và S.S. của đảng Quốc Xã trong thời gian tranh cử và đã khuyên Thống Chế Hindenburg ra sắc lệnh dẹp bỏ hai tổ chức quân sự này. Tuy nhiên quân đội Đức thời bấy giờ đã từ chối thi hành sắc lệnh. Sau đó nhiều áp lực đã làm từ chức ông Bộ Trưởng Quốc Phòng của Chưởng Ấn Bruning và cả chính ông Bruning nữa.

Do chính phủ sụp đổ, Thống Chế Hindenburg liền mời một nhà quý tộc và cũng là một nhân vật chính trị mới học hỏi, có tên là Franz von Papen. Ông Von Papen kêu gọi một cuộc bầu cử mới vào ngày 31 – 7 – 1932 và tự phong mình là Ủy Viên Reich trên toàn nước Phổ (Reich Commissioner for Prussia). Nhưng các cuộc rối loạn ngoài đường phố vẫn xẩy ra hàng ngày và lệnh thiết quân luật được áp dụng tại thành phố Berlin cũng như tại vài thành phố khác.

Ông Von Papen đã làm Chưởng Ấn tới ngày 17 – 11 năm đó. Trong thời kỳ này, Thống Chế Hindenburg đã đề nghị giao cho Hitler chức vụ Phó Chưởng Ấn dưới quyền ông Papen nhưng Hitler đã từ chối. Vì thế chức vụ trên về tay Tướng Kurt von Schleicher, một cố vấn chính trị của ông Hindenburg trong nhiều năm. Ông Schleicher đã giữ được chức vụ chỉ trong 57 ngày trước khi bị các âm mưu khác lật đổ, trong khi đó đảng Quốc Xã dần dần trở nên một đảng phái chính trị mạnh nhất và Hitler đã không nhận bất cứ một chức vụ nào, ngoài chức Chưởng Ấn (Thủ Tướng) của nước Đức.

Các nhà chính trị hàng đầu và dân chúng Đức thời bấy giờ đã không muốn giao chức vụ quan trọng cho Hitler vì họ hiểu rằng Hitler sẽ trở nên độc tài, toàn quyền thao túng nước Đức. Nhưng cuối cùng, vì tình hình rối ren trong nước, vì các lời khuyên của bạn bè và của người con trai Oskar, Thống Chế Von Hindenburg, 85 tuổi, đã chấp nhận lời hứa của Hitler là sẽ hành động hợp pháp nếu Hitler được đứng ra tổ chức chính phủ.

Nhà độc tài của nước Đức.

Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, Thống Chế Hindenburg đã chỉ định Hitler làm Chưởng Ấn, đứng đầu Nội Các gồm 11 nhân vật ôn hòa và 2 bộ trưởng Quốc Xã là Hermann Goering và Wilhelm Frick. Nhiều người đã tin rằng cách xếp đặt này sẽ giới hạn quyền lực của Hitler nhưng thực ra, Hitler luôn luôn muốn nắm trọn mọi quyền hành trong tay.

Đảng Quốc Xãvào thời đó đã có Wilhelm Frick làm Bộ Trưởng Nội Vụ, kiểm soát toàn thể lực lượng cảnh sát. Một nghị định khẩn cấp ký bởi Thống Chế Hindenburg vào ngày 4 – 2 – 1933 đã chấp nhận đảng Quốc Xã hợp pháp, cấm chỉ hội họp và đặt ra ngoài vòng pháp luật đảng Cộng Sản và các đảng Xã Hội khác, xác nhận quyền kiểm duyệt báo chí và quyền bắt người vì nghi ngờ phạm tội phản bội. Goering cũng cho thành lập một lực lượng cảnh sát phụ gồm hàng ngàn nhân viên S.A. và những nhân viên này được lệnh bắn thẳng vào các “kẻ thù”.

Với cảnh sát, báo chí và truyền thông trong tay, đảng Quốc Xã có thể dẹp tan mọi chống đối và đòi hỏi một cuộc bầu cử mới sẽ tổ chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1933. Vào đêm hôm 27 – 2 – 1933, vài ngày trước khi người dân Đức đi bầu chính phủ mới, tòa Dinh Thự Reichstag là trụ sở của Quốc Hội Lập Hiến Đức trong thành phố Berlin đã bị đốt cháy và chịu thiệt hại nặng nề. Kẻ phá hoại là một người Hòa Lan vô chính phủ, thiên Cộng Sản, đã bị bắt và thú nhận tội phạm. Về sau, nhiều sử gia tin rằng chính đảng Quốc Xã đã bày ra mưu kế này.

Ngay trước khi kẻ phạm tội bị hỏi cung, Hitler đã soạn thảo một bản tuyên bố, kết tội vụ đốt phá là dấu hiệu của một cuộc Cách Mạng Cộng Sản và hứa hẹn với dân chúng Đức rằng sẽ hành động nhanh chóng. Trước ngày 28 – 2 năm đó, cảnh sát Đức đã bắt giữ hơn 4,000 người bị coi là chống đối Hitler rồi sau đó, Thống Chế Hindenburg lại ký một nghị định khẩn cấp khác trao quyền hành không giới hạn cho chính phủ. Mặc dù thế, cuộc bầu cử vào ngày 5 tháng 3 đã chỉ mang lại cho đảng Quốc Xã 43.9% phiếu bầu, dù cho đã có nhiều vụ khủng bố các phe đối lập. Sau cuộc bầu cử, các dại diện của đảng Cộng Sản, một số bị bắt, một số không được phép tham gia Quốc Hội, nhờ vậy đảng Quốc Xã đã nắm đa số. Ngày 23 tháng 3 năm 1933, Quốc Hội do đảng Quốc Xã chiếm đa số thông qua một đạo luật cho phép chính phủ toàn quyền và ngưng lại trong 4 năm mọi Nhân Quyền và các quyền căn bản khác. Tới giữa tháng 7 năm 1933, chính phủ do Hitler cầm đầu lại cấm đoán hẳn các đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn lao động, cấm chỉ mọi tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, kiểm duyệt tất cả các thư từ và nói chuyện điện thoại, cho quyền Cảnh Sát khám nhà hay tịch thu tài sản mà không cần trát tòa … và tất cả các quyền lợi của người dân Đức bị “tạm ngưng cho đến khi có lệnh mới”. Án tử hình cũng được dùng cho nhiều loại tội phạm

Hitler và Goebbels đã nói chuyện tại nhiều cuộc mít tinh tổ chức tại nhiều nơi trong nước Đức, loan báo rằng chỉ có đảng Quốc Xã mới có thể cứu giúp đất nước ra khỏi tình trạng vô chính phủ của các người Cộng Sản. Đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và một số nhà xã hội khác bị bắt bớ, bị buộc vào các tội danh giả. Các công đoàn bị giải tán. Các đội quân S.A. và S.S. bắt đầu lập ra các trại tập trung giam nhốt các tù nhân chính trị, đồng thời Cơ Quan Gestapo (mật vụ Đức) săn lùng các kẻ đối lập.

Đảng Quốc Xã đã dùng báo chí, truyền thanh và phim ảnh để nhồi nhét dân chúng Đức những lời tuyên truyền về một “trật tự mới”, về kế hoạch của Hitler tổ chức lại xã hội Đức và một phần của châu Âu. Chính phủ Quốc Xã cũng đề cao niềm hãnh diện quốc gia, việc huấn luyện quân sự , việc tái võ trang nước Đức và cách phát triển kỹ nghệ. Cũng vào thời gian này, các người Do Thái bị đẩy ra khỏi các công sở, trường học, đại học và các chức vụ điều hành. Hàng ngàn người loại này đã rời bỏ nước Đức, một số lớn khác bị gửi đi các trại tập trung cùng với hàng trăm ngàn những người bị nghi ngờ chống đối chính trị. Mỗi người dân trong xứ phải có giấy phép mới được làm việc hay thay đổi công việc làm, di chuyển hay ra nước ngoài. Chính phủ Quốc Xã cũng quản lý chặt chẽ lương bổng, nhà ở và thực phẩm. Các công nhân và chủ nhân phải thuộc về Mặt Trận Lao Động Đức (the German Labor Front) và mặt trận này cũng quản lý mọi sản phẩm, giờ làm việc, lương bổng và các hoạt động giải trí.

Từ nay, hệ thống cảnh sát và mật vụ Quốc Xã Đức đã nhốt giữ toàn thể dân chúng Đức trong một bầu không khí đe dọa, khủng bố. Dân chúng chỉ được nghe các bài diễn văn hùng hồn và hứa hẹn của Hitler.

Vào tháng 8 năm 1934, Thống Chế Hindenburg qua đời. Adolf Hitlernắm trọn quyền cai trị nước Đức và lãnh hai chức vụ, vừa là Chưởng Ấn, vừa là Lãnh Tụ (Fuhrer).

Bài viết cùng chuyên mục