Muốn khỏe à? Quên chuyện thức uống không đường và thức ăn ít chất béo đi. Thay và đó, cần dùng trứng, sữa, muối, dầu mỡ, các loại quả hạch (như đậu phộng), rượu vang, chocolate và cà phê!
Theo bác sĩ Oz, con người đã có quá nhiều cố gắng nhằm chứng minh một loai thức ăn là có ích hoặc có hại cho sức khỏe của mình. Đã có thời người ta cho rằng thịt đỏ (heo, bò, cừu…) là có lợi và mì Ý là có hại, cho đến khi người khác chứng minh điều ngược lại – nghĩa là thịt đỏ có hại, còn mì Ý có lợi. Lấy ví dụ chất béo – loại thức ăn được coi là kẻ thù của những ai mong muốn có được sức khỏe dồi dào. Nhưng cũng từ lâu chúng ta đã biết không phải chất béo nào cũng có hại. Các chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated fat), có trong dầu ô liu có tác dụng hạ lượng cholesterol xấu và làm tăng hàm lượng cholesterol tốt trong máu, do đó làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Còn chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat), như omega 3s giúp giảm nguy cơ bệnh tim, tăng cường trí lực, cũng như mang đến một số điều lợi khác.
Chất béo “có hại” là các loại chất béo bão hòa có trong sản phẩm động vật, transfat và “bà con” của nó là cholesterol (có trong lòng đỏ trứng, thịt và sữa). Ngay cả nhóm “có hại” này, không phải loại nào cũng hại như nhau. Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số chất béo bão hòa (có trong dầu dừa) có thể tốt cho sức khỏe. Các chất béo bão hòa này không làm ảnh hưởng xấu đến cholesterol trong máu như người ta nghĩ. Cho đến nay, loại chất béo duy nhất mọi nhà khoa học đều đồng ý thực sự “có hại” cho sức khỏe là transfat thì đã được loại bỏ hếu hết các loại thực phẩm chế biến. Giải oan cho chất béo (với điều kiện phải có sự điều độ) cũng là giải oan cho một loại thức ăn phổ biến của con người – trứng gia cầm. Với tự cách là một bác sĩ chuyên khoa tim mạch , TS. Oz cho rằng phần lớn chúng ta chẳng có vấn đề gì lớn đối với lượng cholesterol trong máu dù thực sự có người gặp rắc rối. Tuy nhiên, chính thiểu số này lại làm cho số đông tránh xa nhiều loại thức ăn một cách không cần thiết. Lấy ví dụ trứng và thịt đỏ. Dĩ nhiên ăn quá nhiều hai loại này là có hại, nhưng “cũng không nên xem chúng như chất phóng xạ”. Theo ông, trứng – kể cả lòng đỏ – là nguồn cung cấp đạm chất lượng cao vô cùng rẻ, nên đối với đa số chúng ta, ăn mỗi ngày một quả trứng là ổn.
Muối ăn là một ví dụ khác. Bác sĩ Oz cho rằng cách duy nhất để biết cô thể mình có thực sự nhạy cảm với muối ăn (làm tăng huyết áp) hay không là kiểm tra huyết áp ngay sau khi ăn muối. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, ngay cả khi ăn nhiều muối mà huyết áp vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, chúng ta cũng đừng vui đùa quá trớn với lọ muối trên bàn ăn. Rượu vang chứa resvaratrol, một chất chống oxy hóa trong vỏ quả nho làm giảm tác dụng của choresterol có hại và hạ nguy cơ tai biến liên quan đến tim mạch. Tuy nhiên, hàm lượng chất này trong rượu vang lại quá ít và để resvaratrol thực sự có tác dụng, phải cần uống tới… 60 lít rượu! Bác sĩ vẫn cho rằng có thể uống một ít rượu vang vì loại rượu này sinh ra ít năng lượng cũng như làm người uống xây xẩm như nhiều loại thức uống có cồn khác. Chúng ta thường không uống rượu vang một mình mà với bạn bè. Như vậy, sẽ tốt cho sức khỏe vì giữ được quan hệ tốt với mọi người là một trong những yếu tố quan trọng giúp sống khỏe.
Chocolate có thể cung cấp các chất chống oxy hóa dưới dạng flavonoid . Chocolate càng đắng chừng nào càng ít sữa và nhiều flavonoid chừng ấy. Các loại quả hạch (như đậu phộng), dù nhiều năng lượng và các chất béo không bão hòa, có thể làm giảm choresterol có hại và làm giảm cảm giác đói. Trong khi đó, polyphenol trong cà phê lại là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, cà phê có thể giúp giảm nguy cơ bệnh Parkinson (bệnh giảm trí nhớ) và tiểu đường loại 2.
Ngay cả sữa nguyên chất, loại thức uống mà một số người cho rằng chứa quá nhiều chất béo, cũng không đơn giản là “có hại”. Trái ngược với suy nghĩ thông thường, sữa có thể giúp kiểm soát tăng trọng. Nhưng nếu uống hơn nửa lít mỗi ngày sẽ gây ra tình trạng tăng cân. Chìa khóa cho việc dùng các loại thức ăn kể trên không gì khác hơn là sự điều độ. Mỗi tuần ăn vài thanh chocolate đắng – nặng khoảng 30 gam mỗi thanh – hay uống hơn hai ly rượu vang mỗi ngày có thể gây tăng cân trong trường hợp đầu và tăng khả năng hầu tòa và gây thương tích cho người khác trong trường hợp sau. Uống quá nhiều cà phê có thể gây đầu óc choáng váng. Ăn quá nhiều thịt đỏ (hơn nửa kí mỗi tuần) sẽ làm tăng cân; ngoài ra, ăn nhiều thịt đỏ sẽ tước đi khả năng bạn hấp thu đạm từ cá vốn giàu axit béo omega 3s giúp tăng cường trí não.
Tóm lại, các nguyên tắc ăn uống có lợi cho sức khỏe cũng không quá phức tạp.
– Thứ nhất, ăn uống điều độ – nghĩa là không ăn quá nhiều ăn quá nhiều hay quá ít.
– Thứ hai, nên chọn thức ăn càng ít qua chế biến càng tốt.
– Thứ ba, hãy là loài ăn tạp, nghĩa là ăn cả thức ăn có nguồn gốc động vật lẫn thực vật.
Một điều rất quan trọng cho sức khỏe ngoài lĩnh vực thực phẩm mà ai cũng biết nhưng ít người thực hiện là chúng ta phải năng vận động cơ thể. Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật (Centers for Control and Prevention), mọi người trong độ tuổi trưởng thành mỗi tuần cần ít nhất tổng cộng 150 phút vận động với cường độ trung bình (như đi bộ nhanh), nghĩa là khoảng 20 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ trường hợp sau đây: một người cân nặng khoảng 70 ki lô gam sau khi vận động một tiếng đồng hồ sẽ loại bỏ 365 calori. Nhưng một tiếng đồng hồ vận động này sẽ trở thành vô nghĩa nếu sau giờ tập người đó lại chén sạch một đĩa bánh nướng xốp! Nếu muốn khỏe lâu, thay vào chỗ bánh nên là một đĩa táo.
Theo Kinh Tế Sài Gòn