Những món bún tươi ngon này bạn có thể chế biến vào buối sáng hay trưa hàng ngày cũng rất tuyệt. Đậm đà hương vị bún riêu ốc miền Tây Những quán bún ngon ở Sài Gòn Đa dạng bún khô trong ẩm thực Việt
Có rất nhiều món ăn bạn có thể làm, tuy nhiên bún là món khá dễ ăn mà có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như sườn, giò, thịt gà, các loại gia vị tươi cũng như rau xanh… Với tiết trời mùa đông lạnh giá như thế này thì thưởng thức những bát bún nóng hổi cũng khá thích hợp.
Bún thang
Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến chế biến nhưng hương vị của bún thang thì tuyệt vô cùng! Bún thang là một đặc sản ẩm thực của người Hà Nội, chị em hãy cùng trổ tài nấu món này đãi cả nhà nhé!
Nguyên liệu:
– Thịt gà: 1 con (1 kg)
– Xương đuôi lợn: 500 gr
– Giò lụa: 100 gr
– Nấm hương: 10 – 15 cái
– Tôm khô: 100 gr
– Củ cải khô: 1 nắm
– Trứng: 1 quả
– Gừng
– Hành khô
– Hành hoa
– Rau răm
– Mắm tôm
– Chanh (quất)
– Ớt
Cách làm:
– Xương đuôi lợn chần qua nước sôi rồi rửa lại cho thật sạch bọt bẩn. Gà đem luộc chín với một củ hành nướng và một mẩu gừng nướng nhỏ, sau đó vớt ra lọc lấy thịt.
– Cho xương gà cùng xương đuôi lợn ngược trở lại nồi nước luộc gà, thêm nước, đun sôi thì hạ nhỏ lửa ninh liu riu để làm nước dùng.
– Khi nước dùng gần được thì cho nấm hương ngâm nở vào, đun sôi tầm 3 – 4 phút nữa thì nêm thêm hạt nêm và gia vị cho vừa miệng.
– Thịt gà đã lọc xương đem thái (xé) miếng nhỏ. Ướp thịt gà với 1 chút gia vị, vài giọt nước cốt chanh và một ít lá chanh thái chỉ.
– Củ cải khô đem ngâm nước nóng cho nở, sau đó vớt ra rửa lại với nước đun sôi để nguội cho sạch rồi vắt ráo. Pha nước mắm chua ngọt theo khẩu vị rồi trộn chung với củ cải, để qua một bên, thi thoảng lại đảo đều cho củ cải được ngấm.
– Tôm khô đem ngâm rửa qua nước cho sạch, một nửa cho vào nồi nước dùng ninh cho ngọt nước, còn một nửa cho vào cối giã đến khi tôm tơi ra. Bắc chảo lên bếp, cho tôm vào sao cho đến khi ruốc tôm thật khô và rất thơm thì tắt bếp.
– Đập trứng vào bát, thêm vào bát một ít hạt nêm và vài giọt nước (bia) rồi đánh tan. Đặt chảo lên bếp, đun cho nóng chảo rồi hạ lửa thật nhỏ. Cho vào chảo một tí xíu dầu ăn, dùng giấy ăn lau cho dầu ăn láng đều quanh chảo.
– Múc một ít trứng cho vào chảo rồi cầm cán chảo nghiêng qua, nghiêng lại cho trứng chảy quanh miệng chảo tạo thành một lớp trứng thật mỏng. Khi trứng bắt đầu hơi bong thì lật mặt trứng rồi gắp ra đĩa. Khi trứng đã nguội bớt thì cuộn tròn trứng lại rồi dùng dao sắc thái chỉ.
– Giò lụa thái thành những miếng mỏng rồi cũng đem thái chỉ.
– Chần bún qua nước nóng, để ráo rồi xếp bún vào các bát tô. Xếp xung quanh bát bún một ít thịt gà xé, ruốc tôm, giò lụa thái chỉ, trứng thái chỉ, củ cải chua ngọt.
– Ở giữa bát bún rắc một ít rau răm và hành thái nhỏ, vài cái nấm hương, một ít mắm tôm.
Cuối cùng chúng ta chỉ cần chan nước dùng là chúng ta đã có ngay một bát bún thang vô cùng thơm ngon và hấp dẫn.
Bún sườn dọc mùng
Có lẽ đây là một trong những món (bún) ăn sáng phổ biến nhất tại Hà Nội, cũng là một món rất dễ làm và dễ ăn. Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào ăn cũng hợp cả.
Nguyên liệu:
– 0.5 kg sườn
– 100g thịt lợn xay (hoặc thay bằng giò sống)
– 2 cái mộc nhĩ, 5 cái nấm hương (ngâm với nước ấm trước khoảng 60-90 phút rồi rửa sạch, thái chỉ)
– 1 củ hành khô băm nhỏ
– Dọc mùng
– Hành (rửa sạch, thái khoanh tròn). Mùi tàu (rửa sạch,thái sợi)
– Bún (nếu dùng bún khô thì ngâm trước với nước ấm khoảng 30-60 phút, rồi luộc thì bún sẽ đỡ bị nát hơn)
– Bột canh, muối, hạt tiêu, nước mắm, tương ớt.
Cách làm:
– Sườn chặt miếng vừa ăn, rửa sạch. Đổ nước lạnh ngập sườn và cho thêm 1 thìa nhỏ muối. Sau khi nước sôi khoảng 1-2 phút thì đổ sườn ra rổ, rửa sạch vụn thịt và bọt bẩn. Cho sườn vào nồi, đổ nước vừa ăn. Đợi nước sôi thì hạ nhỏ lửa rồi ninh đến khi sườn mềm (tùy loại và tùy cả nhà muốn ăn sườn mềm đến độ nào, nhưng ở đây thì mình thường ninh khoảng 30-40 phút)
– Trộn mộc nhĩ, nấm hương (đã thái sợi) với thịt băm, hành khô (băm nhỏ), muối, tiêu. Viên lại thành từng viên tròn cỡ quả trứng chim cút. Để cho nhanh thì nên chuẩn bị mọc trong khi đợi nước trong nồi sườn sôi (nước luộc lần 2). Nước vừa sôi thì thả mọc vào nấu. Mọc nổi lên khoảng 1, 2 phút là chín.
– Dọc mùng tước vỏ, thái vát thành từng miếng vừa ăn, bóp với chút muối (cả nhà nhớ đeo găng tay để tránh bị ngứa nhé, để khoảng 20 phút thì rửa lại, vắt kiệt.
Vậy là xong khâu chuẩn bị nguyên liệu rồi.
Giờ thì chỉ còn 1 việc nữa là sắp bún ra bát, xếp mọc, dọc mùng, hành, mùi, sườn, cuối cùng là chan nước và… măm măm thôi!
Bún tôm
Nguyên liệu:
– Tôm
– Sườn thăn
– Mộc nhĩ, hàng khô
– Cà chua
– Hành, mùi tàu, thì là
– Bún
Cách làm:
– Chần sườn qua nước sôi, vớt ra rửa sạch lại với nước, phi thơm hành khô rồi trút sườn vào xào. Đợi miếng sườn ngấm gia vị các bạn chế nước vào ninh nhỏ lửa đến khi sườn chín nhừ.
– Bóc lấy phần thịt tôm, phần vỏ và đầu để riêng.
– Băm nhỏ phần đầu trắng của hành lá, phi thơm và xào tôm thật săn với nước mắm, các bạn cũng có thể đảo tôm với gia vị hoặc hạt nêm, tuy nhiên hương vị sẽ kém thơm hơn so với việc đảo bằng nước mắm.
– Mộc nhĩ ngâm nở, thái sợi và cũng đem xào thơm, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
– Hành, mùi tàu, thì là rửa sạch thái nhỏ.
– Phần đầu và vỏ tôm lúc nãy các bạn xào qua với vài nhánh hành khô đập dập cho khỏi tanh.
– Xay nhuyễn, lọc qua rây để lấy nước ngọt, đun chung cùng nồi sườn ban nãy.
Đợi canh sôi, thả cà chua thái múi cau vào. Gắp bún ra bát, lần lượt cho tôm, sườn, mộc nhĩ, hành thì là lên trên, chan nước canh thật nóng.