Chất kẽm: Đóng vai trò kích thích sự tăng trưởng của trẻ, tăng hấp thu và tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng và chức năng của hệ miễn dịch. Chế độ ăn toàn ngũ cốc, thiếu nguồn thức ăn động vật sẽ khiến trẻ thiếu chất kẽm. Sữa đậu nành có thành phần phytat cao nên tỉ lệ hấp thu kẽm thấp, tỉ lệ hấp thu kẽm từ sữa bò cũng thấp hơn so với sữa mẹ. Thiếu kẽm, trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển chiều cao, rối loạn hệ xương và dậy thì muộn.
Chất béo và chất đạm: Rất cần thiết cho tế bào não. Nguồn cung cấp chất béo có từ thịt, dầu ăn, các chế phẩm từ sữa, bơ. Chất đạm cần thiết cho sự phát triển tế bào và sản xuất máu. Đạm có nhiều trong thịt động vật, lòng trắng trứng, cá, đậu xanh, đậu nành, đậu hũ, đậu phộng…
Carbonhydrate và canxi: Cung cấp năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Chất này có trong ngũ cốc, bánh mỳ, khoai tây và trái cây. Canxi tốt cho chức năng thần kinh và giúp xương chắc khỏe. Canxi có trong phô mai, sữa, cá hồi, sữa chua, cải bó xôi.
Vitamin A: Có nhiều trong trái cây, đậu màu xanh, cam đậm hoặc vàng đỏ như cà chua, xoài, cam, khoai lang, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, gấc và rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau cải, rau đay… Trong mỗi bữa ăn của trẻ, cần bổ sung thêm từ 1 đến 2 muỗng cà phề dầu hoặc mỡ để giúp dễ tiêu hóa và tăng cường việc hấp thu vitamin A có trong các thực phẩm trên. Bên cạnh, cần bổ sung thêm nguồn thức ăn từ động vật như thịt, cá, gan, trứng, sữa… Thiếu vitamin A, trẻ sẽ có triệu chứng quáng gà, khô giác mạc, thậm chí viêm loét giác mạc.
I-ốt : Trẻ em trong độ tuổi phát triển nhanh thường dễ thiếu i-ốt do nhu cầu tăng cao. Chất này rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất, hoạt động trí não, tham gia tạo hormone giáp để hình thành và phát triển của não bộ. Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ dùng một lượng nhỏ là đủ (thêm vào trong chế biến các món ăn). Thiếu i-ốt, trẻ sẽ giảm thành tích trong học tập do khả năng tập trung kém.
Các loại vitamin khác: Vitamin C giúp tăng cường sản xuất các bạch cầu và kháng thể chống lại vi khuẩn thâm nhập gây bệnh. Nó có trong các loại trái cây họ cam quýt, táo, sơ ri…Vitamin D giúp xương và răng chắc khoẻ, có trong bánh mỳ, ngũ cốc, các chế phẩm từ sữa. Vitamin B12 duy trì sức khoẻ hệ thần kinh, có trong cá, sữa và thịt động vật. Vitamin B6 giúp tăng cường khả năng hấp thu carbohydrate, chất béo và đạm, có trong gạo, chuối, thịt heo.
Chất sắt: Có nhiều trong thịt, cá, gan, huyết, các loại rau xanh như bồ ngót, rau dền và các loại đậu hạt. Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn chính như cam, chuối, đu đủ, sơ ri, táo… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt từ các loại thực phẩm khác. Chất sắt có nguồn gốc từ động vật thường dễ hấp thu hơn nguồn gốc thực vật. Thiếu chất sắt, trẻ sẽ chậm phát triển về trí tuệ, giảm năng lực tập trung, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng.