Một hai năm trở lại đây, người ta không còn xa lạ khi thấy chiếc xe đạp có chằng cái tủ kính, dán bên sườn hàng chữ bánh tiêu Sài Gòn 3000/chiếc màu đỏ chói. Món quà dân dã đất Sài thành đã góp mặt ở thủ đô, mang về cho người Hà Nội món ăn vặt ngọt ngào, ngon miệng. Dạo phố cổ tìm mua bánh bò Dẻo thơm bánh chưng Bờ Đậu – Thái Nguyên Lạ lẫm ngọn su su Sapa
Bánh tiêu trong Sài Gòn hay được bán rong trên xe đạp vào các ngõ, hẻm của thành phố cùng bánh bò, quẩy nóng. Lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện món ăn này, có một anh thanh niên chở tủ bánh tiêu bằng xe gắn máy, chạy ngang dọc phố Phan Văn Trường, món bánh lạ hút khách khiến các bà bánh rán, bánh mì ganh tị.
Bánh tiêu vàng ruộm như màu nắng Sài Gòn gửi tới thu Hà Nội.
Bánh tiêu đơn giản như chính cái tên của nó. Nhào bột mì cùng đường, nước ấm, men bột nở thật kĩ, dẻo, rồi ủ trong 3- 4 tiếng. Bột mì ủ xong, mang ra nhồi thật mịn, càng nhồi kĩ bánh càng phồng, ngon. Nắm bột thành từng viên nhỏ, trải ít bột khô ra mâm, lăn viên bột qua vừng, rồi cán mỏng dẹt cái bánh. Thả ngay chiếc bánh vào ngập trong chảo dầu đang sôi, để lửa vừa phải để chiếc bánh căng phồng, vàng ruộm. Gắp bánh ra cho ráo dầu ăn. Đơn giản, nhanh chóng để có những chiếc bánh tiêu nhìn đã ứa nước miếng.
Bánh tiêu rán xong phải căng phồng, như có túi khí bên trong. Chiếc bánh nhấc lên tay, nhẹ thôi mà sao thơm nức mùi bột mì, vừng trắng. Ăn nóng bánh tiêu cùng tương ớt chiều lạnh thật không còn gì thú vị bằng. Chiếc bánh ngọt, mềm, màu vàng lôi cuốn, ăn một lại muốn ăn hai…
Sài Gòn mấy năm trước, chỉ có 1ngàn một chiếc bánh tiêu. Học trò Sài Thành tan trường đôi khi còn mua thêm cả kem hay bánh bò kẹp vào giữa chiếc bánh dân dã, cùng cắn miếng thật lớn, nghe các vị ngọt, mặn, ấm, lạnh trung hòa.
Chiều thu Hà Nội, cái se lạnh của giao mùa chợt tan biến khi trên phố bắt gặp màu vàng lưu động của xe bán bánh tiêu. Phải chăng, hôm nay, Sài Gòn gửi nắng qua màu vàng của chiếc bánh tiêu đến thu Hà Nội?